Tin tức

Bìm bìm biếc

05/04/2022

Bìm bìm biếc hay còn gọi là Khiên ngưu, Hắc sửu, Bạch sửu (Tên khoa học: Pharbitis nil (L.) Choisy.) thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Khiên ngưu tử (Pharbitis hay Semen Pharbitidis) là hạt phơi khô của bìm bìm biếc hay cây khiên ngưu.

Bìm bìm biếc là loại cây dây leo cuốn, thân cành mảnh, lông hình sao rải rác. Lá hình tim chia 3 thùy; mặt trên nhẵn, màu lục; mặt dưới nhạt, có lông ở gân; phiến lá dài 14cm, rộng 12 cm; cuống mảnh, nhẵn dài 5 – 9 cm. Hoa to, màu hồng tím hay lam nhạt, mọc thành xim 1-3 bông ở kẽ lá. Quả nang hình cầu, nhẵn, đường kính 8 mm, được bao bọc trong đài đồng trưởng. Hạt 2 – 4, hình 3 cạnh, lưng khum, 2 bên dẹt, nhẵn; dài 5-8 mm, rộng 3-5 mm; màu nâu đen (hắc sửu) hoặc nâu nhạt (bạch sửu).

Bìm bìm biếc là một cây thuốc được dùng phổ biến theo kinh nghiệm dân gian ở nước ta. Hạt của cây Bìm bìm biếc có giá trị sử dụng cao, được dùng nhiều dưới dạng cao mềm, cao đặc hoặc cao khô.

Bìm bìm biếc

Cây Bìm bìm biếc

Nơi sống và thu hái:

Hiện nay bìm bìm biếc mọc hoang dại ở các bờ rào vườn, ven đường đi Tam Đảo, thị xã Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và một số nơi khác. Vào các tháng 7 – 10 quả bắt đầu chín, người ta cắt cây khi quả chín nhưng chưa nứt, phơi khô đập tách vỏ, sàng lấy hạt và loại bỏ tạp chất. Có thể chế biến nhựa khiên ngưu bằng cách dùng cồn để chiết xuất, cô lại để thu hồi cồn, rửa cặn còn lại cho hết phần tan trong nước, sấy khô.

Bìm bìm biếc là loại cây ưa ẩm, thường có hiện tượng tàn úa khi mùa đông tới. Mỗi năm, thường ra hoa kết quả với số lượng tương đối nhiều. Ở xung quanh cây mẹ thường thấy có nhiều cây con mọc lên xung quanh, phần lớn là sinh trưởng từ hạt của cây mẹ. Khi cây bị chặt phá nhiều lần, phần còn lại của cây vẫn có khả năng tái sinh và tiếp tục phát triển.

Công dụng của Bìm bìm biếc

Hạt Bìm bìm biếc có mùi nồng, vị chát khó chịu. Trong hạt bìm bìm biếc có chứa: 2% pharbitin, 11% chất béo, acid nilic, lysergol, chanoclavin, isopeniclavin, elymoclavin. Pharbatin có tác dụng tấy mạnh và tăng sức co bóp của ruột. Hạt bìm bìm biếc sử dụng để thông đại tiểu tiện, thông mật, đôi khi dùng để trị giun.

Theo Đông y: Khiên ngưu tử (hạt Bìm bìm biếc) có vị cay, tính nóng, hơi có độc, vào 3 kinh phế, thận và đại tràng. Có tác dụng tả khí, phân thấp nhiệt, trục đờm, tiêu ấm, lợi nhị tiện (đại tiểu tiện) nên được sử dụng làm thuốc chữa tiện bí và cước khí, chủ trị hạ khí, lợi tiểu tiện, chữa cước thũng (phù), sát trùng.

Sử dụng “Bìm bìm biếc” trong nghiên cứu, bào chế thuốc.

Theo xu thế hiện đại, các sản phẩm thuốc có nguồn gốc tự nhiên tốt cho sức khỏe đang ngày càng được ưa chuộng. Trong nghiên cứu, bào chế thuốc, vị thuốc bìm bìm biếc được sử dụng kết hợp với một số vị thuốc có tác dụng giải độc cơ thể nhằm hỗ trợ cho việc đào thải, tăng khả năng bài tiết các độc tố trong cơ thể ra bên ngoài.

Có thể sử dụng Bìm bìm biếc kết hợp với  Actiso và Rau đắng đất cho những người có vấn đề về gan, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều rượu bia để tăng khả năng đào thải độc tố cho cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng các vị thuốc này tốt nhất cần có liều lượng hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Người tiêu dùng có thể tìm đến các sản phẩm của các công ty có uy tín trong lĩnh vực sản xuất Dược phẩm để tham khảo và lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp.

Bìm bìm biếc

 

Facebook

Tin tức khác