An Lão là một huyện vùng cao, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định – nơi cuộc sống của người đồng bào Ba Na vô cùng khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 74%. Sinh kế chính của họ là chăn nuôi, trồng trọt và khai thác các sản phẩm có sẵn của rừng.
Nằm độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, xã An Toàn, huyện An Lão với nhiều điều kiện tự nhiên đặc biệt giúp cây dược liệu tích lũy được hàm lượng dược chất cao. Theo kết quả điều tra các loại dược liệu, tại vùng đất An Lão có 403 loài thuộc 112 họ, có nhiều loại cây bản địa là dược liệu quý, trong đó đặc biệt là cây chè dây. Với tác dụng hiệu quả trong chống loét dạ dày, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa, đặc biệt hiệu quả với người bị nhiễm vi khuẩn HP…cây chè dây đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác theo kiểu “tận diệt” của người dân bản địa.
Vào năm 2020, Qũy môi trường toàn cầu phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, UBND Huyện An Lão, Hội Liên Hiệp Phụ nữ An Lão và công ty Bidiphar thực hiện dự án “Trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số”.
Vườn dược liệu Bidiphar được trồng tại huyện An Lão, Bình Định
Với vai trò là đơn vị đang triển khai Dự án “Trồng và phát triển Dược liệu” tại xã An Toàn, bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, Bidiphar còn cắt cử nhân lực “nằm vùng” hướng dẫn bà con kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hái theo đúng tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP – WHO). Đặc biệt, Bidiphar cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm Chè dây do bà con thực hiện trong dự án.
Anh Nguyễn Đức Thiệp, Giám đốc Dự án Dược liệu Bidiphar, trao đổi với các thành viên Ban dự án phát triển cây Chè dây
Vừa được cán bộ Dự án hướng dẫn kĩ thuật trồng, chị Đinh Thị Liên, cán bộ hiện trường, bày tỏ vui mừng: Xưa giờ cây chè dây mọc hoang dưới tán rừng, mấy năm trước, nhiều thương lái hỏi mua nên bà con kéo nhau vào rừng chặt bán khiến nó cạn kiệt dần. Từ khi Dự án về bản, được cán bộ chỉ dẫn tôi cũng hiểu hơn về việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè dây, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. Đặc biệt, dự án đã mang lại niềm vui rất lớn cho bà con vì đã mở ra nguồn sinh kế mới, giúp bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế.