Tin tức

Chung sống khỏe mạnh cùng đái tháo đường

18/04/2022

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một căn bệnh mạn tính, nghĩa là người bệnh phải theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh suốt đời. Người mắc bệnh thường sinh ra tâm lý buồn bã, tinh thần sa sút, ám ảnh với tất cả các dấu hiệu trên cơ thể, có thể dẫn đến biểu hiện nặng hơn là trầm cảm. Tuy nhiên, căng thẳng chỉ khiến cho lượng đường trong máu tăng lên và tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Vậy bạn đã biết các bước để kiểm soát bệnh? Tuân theo 5 phương pháp sau đây có thể giúp bạn “chung sống” hòa bình cùng bệnh đái tháo đường.

1. Đừng ăn kiêng- Mà hãy ăn uống khoa học.

Hạn chế tối đa thịt hộp, patê, xúc xích, thực phẩm qua chế biến… thay vào đó thực hiện một kế hoạch ăn uống khỏe mạnh bằng cách chọn lựa các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, rau xanh, trái cây… Hãy ăn cá, trứng, đậu và sử dụng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè. Rất nhiều người nghĩ ăn nhiều đường hay thức ăn ngọt sẽ bị ĐTĐ. Điều này không hoàn toàn đúng. Vì cơ thể chúng ta lại rất cần chất đường để làm năng lượng. Chỉ hạn chế chứ không nên kiêng khem quá mức. Lời khuyên của bác sĩ là tránh xa tuyệt đối các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu…

Chung sống khỏe mạnh cùng đái tháo đường

2. Chế độ vận động hợp lý

Hoạt động thể chất là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý bệnh ĐTĐ của bạn. Khi bạn tập thể dục, các cơ sử dụng đường (glucose) để tạo năng lượng. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng giúp cơ thể bạn sử dụng insulin hiệu quả hơn. Bạn có thể đề ra mục tiêu vận động thường xuyên 3-5 ngày trong tuần ở mức độ nhẹ và trung bình, kéo dài 20-30 phút mỗi ngày. Tập thói quen vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn còn giúp hạ đường huyết. Tham gia các khóa tập luyện nhẹ nhàng như Yoga, thiền, dưỡng sinh, đạp xe đạp… và trao đổi thêm ý kiến từ bác sĩ chuyên môn về hình thức thể thao phù hợp với tình trạng đường huyết hiện tại của bạn.

 

Chung sống khỏe mạnh cùng đái tháo đường

3. Không chỉ quan tâm tới lượng đường trong máu.

Nguyên nhân tử vong do căn nguyên tim mạch chiếm tới 70% ở các bệnh nhân ĐTĐ. Chính vì vậy, việc hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ. Ngoài chỉ số đường huyết, còn quan tâm tới các chỉ số huyết áp, lipid máu…Dừng hút thuốc lá, giữ trị số huyết áp ở mức tốt nhất có thể, mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 130/80 mmHg. Trao đổi với bác sĩ về sử dụng thuốc statin, thuốc ức chế men chuyển trong điều trị các bệnh tim mạch hay nếu sử dụng aspirin hàng ngày.

4. Thư giãn đầu óc

Tình trạng căng thẳng tinh thần có xu hướng làm tăng nồng độ đường huyết. Khi mắc ĐTĐ, bạn cần bình tĩnh chấp nhận sự thật đó cùng nhiều sự thay đổi trong chế độ ăn uống, tập luyện khác để chung sống hòa bình với bệnh. Bạn đừng lo bị kỳ thị vì căn bệnh này không lây nhiễm. Rất nhiều người cũng mắc phải bệnh này, nhưng họ vẫn sống khỏe mạnh và hạnh phúc như tất cả những người bình thường khác. Nên tìm ra các nguyên nhân khiến bạn căng thẳng, chia sẻ, trò chuyện về tình trạng hiện tại với một người bạn, gia đình hoặc một người nào đó mà bạn tin tưởng và bác sĩ chuyên môn. Luôn nhắc nhở bản thân thư giãn và phải ngủ đủ giấc.

Chung sống khỏe mạnh cùng đái tháo đường

5. Luôn theo dõi và không được chủ quan.

Kiểm tra đường huyết đều đặn mỗi ngày bằng máy đo đường huyết. Kiểm tra lượng đường trong máu như khi bạn vừa tỉnh dậy; trước và sau khi ăn; trước, trong quá trình và sau khi tập thể dục hay bất cứ khi nào bạn cảm thấy lạ…Giữ lịch hẹn đều đặn với bác sĩ, chuẩn bị sẵn câu hỏi, và thảo luận với bác sĩ về mục tiêu điều trị, thuốc đang sử dụng và có thể sử dụng thêm các thuốc từ dược liệu để hỗ trợ giúp ổn định đường huyết an toàn, hạn chế tác dụng phụ.

Chung sống khỏe mạnh cùng đái tháo đường

Facebook

Tin tức khác